Nữ đạo diễn Thanh Tâm và ‘Bóng Quá Khứ’ của người Việt tỵ nạn
/in Sưu Tầm /by adminThanh Tâm được người Việt tại Canada biết đến từ khi cô còn là Giám đốc SBTN Canada (2014 – 2019), và thành lập Vomedia (2014). Từ năm 2017, cô đồng sáng lập và là giám đốc của VIETLIVE TV, một trong những chương trình truyền thông xã hội thành công nhất của người Việt Nam ở hải ngoại. Năm 2018, cô tham gia chương trình đào tạo đạo diễn điện ảnh của Trường Điện ảnh Toronto và tốt nghiệp với Her Little Rose, phim ngắn đoạt nhiều giải thưởng trong các liên hoan phim quốc tế: Mỹ, Anh, Úc, Canada, Mexico, Singapore, Venezuela, Ấn Độ…
Cuốn phim ngắn đầu tay của Thanh Tâm mang tên “Bông Hồng Của Mẹ” được nhiều giải thưởng trong các liên hoan phim quốc tế ở Anh, Canada, Singapore, Úc, Mỹ, Ý, Đức và các nước khác, mang về cho cô hai giải phim ngắn hay nhất Los Angeles và Singapore, cùng 4 giải thưởng nổi bật (Thành tích xuất sắc) của liên hoan quốc tế tại Ấn Độ.
“Bóng Quá Khứ” (A Realm Of Return) là bộ phim thứ hai của Thanh Tâm. Bộ phim đoạt được khá nhiều Vòng Nguyệt Quế tại các liên hoan phim trong hai năm qua, như: (1) Toronto-Toronto Film and Script Award 2021, (2) 25th season World Film Carnival Singapore, (3) Toronto Indie Shorts 2021, (4) Vancouver Independent Film Festival, (5) Dream Catcher International Festival, (6) LA Independent Film Festival, (7) Europe Film Festival UK.
Ngoài ra bộ phim còn được chọn vào chung kết nhiều cuộc thi điện ảnh ở Canada và Hoa Kỳ.
“Bóng Quá Khứ” dựa theo một câu chuyện có thật của một người bạn. Mới đầu Thanh Tâm chỉ muốn làm một phim ngắn khoảng 20 phút. Nhưng khi xem xong kịch bản, người bạn kể câu chuyện đó góp ý thêm, và cô quyết định viết thêm thành bộ phim dài 52 phút.
Điều đó cũng có nghĩa Thanh Tâm chấp nhận “đánh đu” với số phận của bộ phim này. Chấp nhận đối diện với nhiều khó khăn hơn, nhất là về kinh phí thực hiện. Thanh Tâm kể:
“Khó khăn đầu tiên là thuyết phục chồng tôi về dự án này. Sau khi nghe tôi kể về dự án và kế hoạch thực hiện, anh ấy nói với tôi là ‘em điên rồi!’ (cười) Anh nói tôi không bình thường, và ‘đừng sống ở trên mây nữa’, xuống đất giùm anh, trở lại đời thường giùm đi. Tôi nói với ảnh là ‘hồi trước chẳng bao giờ em tin là mình có thể đẻ cho anh ba đứa con, mà giờ em làm được đấy thôi! Thì bây giờ bộ phim này em cũng sẽ làm được.”
Cuối cùng chồng Thanh Tâm cũng xuôi theo ý cô, ủng hộ vợ làm nghệ thuật. Cô kể tiếp: “Nhưng sau lần tôi nói phải mất khoảng 300 ngàn đô làm phim, thì ảnh bị ‘nhồi máu cơ tim’.”
Chuyện này cũng bình thường thôi. Ông chồng nào nghe vợ mình nói thế không “nhồi máu cơ tim” thì cũng “hạ đường huyết”.
Nói vui thể để hiểu tính cách của cô đạo diễn trẻ này. Khi cô cương quyết làm thì chỉ có… trời cản!
Thanh Tâm kể, trong thời gian làm phim cô cực lắm, vì phải làm nhiều vai trò một lúc, từ biên kịch, đạo diễn, phục trang, trang điểm, đạo cụ, tuyển, mời diễn viên,… 1001 việc của đoàn phim cô làm hết, kể cả việc kêu gọi “cứu đói”. Cô kể:
“Do phải mướn phim trường, và muốn tiết kiệm tiền, đoàn làm phim phải làm việc mười mấy tiếng một ngày nhiều ngày liền, nên tôi phải lo ăn uống cho họ. Có lần tôi hết sạch tiền. Cả đoàn khoảng 40 chục người không còn gì ăn cho tuần lễ kế tiếp. Túng quá, tôi lên Facebook than thở. Ơn trời, có người nghe thấy, chạy xe hơn hai tiếng đồng hồ đến phim trường đưa cho tôi tờ check ‘nuôi’ quân.”
Thế đấy! Có những người như “từ trên trời rơi xuống” giúp không cần điều kiện gì cả, cứ xài trước, trả sau. Bạn bè, một số mạnh thường quân góp vốn giúp cô vì tin cô “làm được việc” dù không nhiều nhưng toàn là người có tâm. Thế là cô cứ từng bước vượt qua khó khăn về kinh phí.
Cái khó vượt nhất không phải là kinh phí mà là vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Qua bộ phim này, có lẽ Thanh Tâm hiểu vì sao cô ấy lại vượt qua được.
Cô nói mọi chuyện đều có thể giải quyết được hết, chỉ sợ phụ lòng người đã giúp mình. Vì thế, cô không thể thất bại.
Cô kể, khi đi chọn bối cảnh quay bên ngoài, cô phải vào một số nghĩa trang vào buổi chiều tối, nơi bình thường cô không bao giờ dám bước chân vào một mình. Sợ nhưng vẫn phải vào, ra về vẫn còn run, nhưng cô thở phào nhẹ nhõm, cô đã tìm được một nơi ưng ý cho tang lễ của nhân vật trong bộ phim.
Rồi có lần cô đi mướn một chiếc quan tài quay cảnh tang lễ. Hãy tưởng tượng một cô gái trên chiếc xe với chiếc quan tài phía sau trên đoạn đường dài mấy tiếng đồng hồ. Ai chẳng sợ. Tôi hỏi cô, nếu phải nằm vào trong quan tài để tìm ý tưởng hay cảm giác cho một bộ phim nào đó, cô có dám làm không? Thanh Tâm cười phá lên nhưng không trả lời. Tôi nghĩ cô sợ, nhưng sẽ làm.
Tính cách của đạo diễn trẻ Thanh Tâm là như thế. Cô khai phá cho mình một hướng đi mới bằng cách riêng của mình. Dù sinh sau năm 1975, nhưng sự cố gắng quay về nghiên cứu văn hóa, phong tục người Việt, thậm chí nghiên cứu phục trang, cách chưng diện của phụ nữ thời cô chưa sinh ra là một cố gắng tái tạo lịch sử nguyên vẹn. Ngay cả con tàu cô mua về, rồi cho thợ đập ra dựng lại cho giống nguyên mẫu con tàu vượt biên của người Việt làm một sự chỉnh chu cần thiết cho bộ phim chuyên chở nỗi đau cả một thế hệ.
Điều ngạc nhiên là “nỗi đau của cả một thế hệ” được gói ghém trong số phận của ba người đàn bà, và một người đàn ông lại được thể hiện qua dàn diễn viên không chuyên nghiệp.
Trả lời câu hỏi “Tại sao cô không mời diễn viên chuyên nghiệp mà lại giao cho những diễn viên nghiệp dư? Cô không sợ thất bại à?”, Thanh Tâm đáp không do dự: “Không! Vì tôi tin họ.” Cô nói tiếp:
“Họ có tố chất diễn viên, vì làm việc rất nghiêm túc và có trách nhiệm. Họ thể hiện rất tốt vai trò của mình, và như anh thấy, không nhờ họ thì bộ phim làm sao có thể đoạt được nhiều giải thưởng như thế. (cười)”
Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân khiến cô không mời diễn viên chuyên nghiệp, đó là kinh phí eo hẹp. Có thể còn một vài nguyên nhân khác, tuy nhiên, không ai mạo hiểm dùng diễn viên nghiệp dư để “đốt” con đường nghệ thuật của mình. Bộ phim đã thành công, và như thế quyết định của cô hoàn toàn đúng.
Một người bạn ở Canada đã xem bộ phim này nói với tôi rằng, anh thực sự xúc động khi xem phim. Bộ phim lôi cuốn nhờ cách dẵn dắt câu chuyện của đạo diễn Thanh Tâm. Sự đan xen những cảnh quay hiện tại và quá khứ làm cho người xem trăn trở và thương cảm cho từng nhân vật. Anh không nghĩ những diễn viên đó là nghiệp dư vì họ đã sống thực trong từng vai diễn được giao. Đó là tính cách của người nghệ sĩ chuyên nghiệp.
“Bóng Quá Khứ” là một bộ phim nên xem trong dịp 30 Tháng Tư và Tháng Di Sản của người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương
Bộ phim xoay quanh cuộc đời của Thu, một cô gái Việt Nam mang nặng nỗi đau vượt biên, và một tình yêu không trọn vẹn. Đó là phần đời của một người mẹ miền Nam thương con theo cách riêng, sẵn sàng làm tất cả vì con. Đó cũng là một góc đời người vợ, thương yêu chồng con, chịu đựng, hy sinh vì gia đình.
Số phận ba người phụ nữ, với ba nhân cách của người phụ nữ Việt Nam, xoay quanh một người đàn ông mà họ hết lòng yêu thương, tạo cho bộ phim một chiều sâu về sự hy sinh, tính nhân ái, lòng trắc ẩn.
Số phận của họ, sau bao nhiêu năm ở hải ngoại, vẫn gắn chặt với nơi họ phải từ bỏ, gắn chặt với con tàu tan nát vì hải tặc. Đau thương sẽ theo ba người phụ nữ đến cuối đời, bởi số phận của họ đã gắn chặt với người mà họ yêu thương nhất.
Tôi xin phép bỏ ngỏ nội dung bộ phim ở đây để mời quý vị đến Viện bảo Tàng Di Sản Việt Nam (2002 N. Main St., Santa Ana, CA 92706) để tham dự buổi ra mắt và triển lãm Chứng Tích Quá Khứ – Di Sản Tương Lai, đồng thời xem “Bóng Quá Khứ” từ 13:00 đến 16:00 ngày Chủ Nhật, 1 Tháng Năm 2022.
“Bóng Quá Khứ” không chỉ của một gia đình cụ thể nào. Mỗi người đều có một quá khứ để ôn lại trong mỗi dịp 30 Tháng Tư, và trong Tháng Năm – Tháng Di Sản của người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương.
Trong lần trả lời báo chí hải ngoại, đạo diễn Thanh Tâm chia sẻ:
“Những nỗi đau của người Việt, đặc biệt là người phụ nữ Việt đã và đang bị thế giới lãng quên. Chúng ta đã có hàng nghìn trang sách, hình ảnh tài liệu về chiến tranh, di tản, vượt biển của người Việt Nam. Nhưng có bao nhiêu người thuộc thế hệ đi sau quan tâm tìm tòi học hỏi về giai đoạn lịch sử đau thương này?
Trong những tác phẩm điện ảnh từ trong nước, trong cộng đồng người Việt hải ngoại, rồi giới làm phim chuyên nghiệp nước ngoài, có bao nhiêu cuốn phim nói về thuyền nhân Việt Nam? ‘Bóng Quá Khứ’ (A Realm of Return), với nội dung xoay quanh một góc nhỏ trong số phận bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam kéo dài hơn gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến, tôi hy vọng nói lên phần nào những nỗi đau của người Việt, đặc biệt là người phụ nữ Việt đã và đang bị thế giới và chính thế hệ người Việt đi sau lãng quên. Thanh Tâm hy vọng “Bóng Quá Khứ” có thể góp một phần nhỏ của mình giúp người Việt lưu vong thuộc thế hệ đi sau, những người chưa từng biết đến chiến tranh, biết đến Cộng Sản, cũng như những người trẻ trong nước bị tẩy não, có thể biết được, hiểu được những đau thương, mất mát, nghiệt ngã của thế hệ đi trước, và hy vọng có thể từ đó tránh được những bi kịch tương tự cho quê hương, đất nước trong tương lai”. |
Nguồn: Trường An – SGN