Pham Đoan Trang

Chính phủ Anh và Canada trao giải Tự Do Truyền Thông 2022 cho bà Phạm Đoan Trang

Chính phủ Anh và Canada trao giải Tự Do Truyền Thông 2022 cho bà Phạm Đoan Trang

Pham Đoan Trang

Nguồn : RFA

Nhà báo Phạm Đoan Trang, người bị tòa án Hà Nội tuyên chín năm tù giam vừa trở thành chủ nhân của giải Tự do Truyền thông năm 2022 do chính phủ hai nước Anh và Canada tài trợ. 

Hôm 10 tháng 2, trong hội thảo Tự do Truyền thông Toàn cầu tại thủ đô Tallinn, Estonia, ban tổ chức đã thông báo Giải thưởng Anh-Canada về Tự do Truyền thông năm 2022 được trao cho Phạm Đoan Trang, nhà báo người Việt Nam. 

Theo mô tả trên trang web của chính phủ Anh, giải thưởng này nhằm ghi nhận nỗ lực của những người đấu tranh cho tự do báo chí, truyền thông, và bảo vệ nhà báo, cũng như nhằm tôn vinh những tổ chức và cá nhân ít được biết tới. 

Nhà báo Phạm Đoan Trang được ban tổ chức mô tả là người viết ra những cuốn sách về dân chủ, và những bài viết về xã hội dân sự, và sự bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Bà cũng được giới thiệu là người vận động cho nhân quyền, thượng tôn pháp luật, và môi sinh.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí và là đại diện của nhà báo Phạm Đoan Trang, nói về ý nghĩa của giải thường này:

Tôi tin rằng cái giải thưởng này sẽ có tác động rất là có ý nghĩa, là tại vì đây là giải thưởng của hai chính phủ, hai nước lớn trao cho một nhà báo Việt Nam đang bị cầm tù. 

Nó rất là khác so với những giải thưởng của các tổ chức xã hội dân sự, của các tổ chức quốc tế. Các tổ chức quốc tế thì vẫn bị Chính phủ Việt Nam liệt vào cái hàng là những tổ chức phản động quốc tế, những tổ chức kém thân thiện với Việt Nam. 

Thế nhưng mà đây là hai chính phủ đã làm việc với Việt Nam, đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam, tài trợ cho Việt Nam rất là nhiều. Báo Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân không mấy khi có những bải chỉ trích những nước này. Thì tôi cho rằng cái sự thừa nhận của một chính phủ có giá trị rất mạnh đối với Chính phủ Việt Nam.”

Screen Shot 2022-02-11 at 04.41.51.png
Ông Tariq Mahmood Ahmad – Bộ trưởng Ngoại giao các vấn đề về thịnh vượng chung & phát triển của Vương Quốc Anh công bố giải thưởng trong buổi lễ và sau đó viết trên Twitter. Ảnh: Chụp màn hình 

Không chỉ có ảnh hưởng đến chính phủ Việt Nam, ông Long còn cho rằng việc hai nước lớn trao giải cho nhà báo Phạm Đoan Trang còn có tác động đến người dân, ông nói thêm:

Tôi tin rằng là nó còn có sức nặng với người dân Việt Nam nhiều hơn nữa, đó là tại vì rất nhiều người dân Việt Nam vẫn bán tín bán nghi, vẫn có một cái sự ngờ vực nhất định rằng những việc làm của nhà báo Phạm Đoan Trang là có đúng đắn hay không.

Thế thì thông qua cái giải thưởng, cái sự thừa nhận của hai nước, hai nền dân chủ rất là tiến bộ. Hai nước có nền kinh tế rất là mạnh mẽ trên thế giới là Anh và Canada. 

Cái sự thừa nhận đó, tôi tin rằng nó giúp cho rất nhiều người Việt Nam hiện nay còn đang lưỡng lự, xác quyết về cái góc nhìn của mình đối với những việc làm của nhà báo Phạm Đoan Trang hơn.”

Với việc được trao giải Tự do Truyền thông của chính phủ Anh và Canada, nhà báo Phạm Đoan Trang trở thành người Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực cổ vũ dân chủ và nhân quyền. 

Trước đó, bà được nhận Giải Nhân quyền Homo Homini từ tổ chức People In Need hồi năm 2018. Sau đó, được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF ở Pháp trao tặng giải Tự Do Báo Chí năm 2019. 

Hiệp hội Xuất bản Quốc tế trao giải IPA Prix Voltaire 2020 cho Nhà Xuất bản Tự do mà bà là một trong những người sáng lập, điều hành và là tác giả chính. 

Mới đây nhất nhà báo đang bị cầm tù này được trao giải Martin Ennals năm 2022, đây được ví như giải Nobel trong lĩnh vực nhân quyền. 

Nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10 năm 2020, bà bị giam giữ đến tháng 12 năm 2021 mới được đưa ra xét xử. 

Trong phiên toà sơ thẩm diễn ra vào ngày 14 tháng 12, bà bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự năm 1999, rồi bị kết án chín năm tù. Bà hiện đang trong quá trình kháng án. 

Nguyễn Đăng Quang

Bỏ Đảng – Nguyễn Đăng Quang

BỎ ĐẢNG

Nguyễn Đăng Quang

Nguồn : Internet

Thằng con trai 46 tuổi của tôi hồ hởi báo tin: “Nhà mình hôm nay có tin vui. Bố phải thông báo cho tất cả anh chị em nội ngoại và bạn bè thân thiết biết để mọi người mừng cho bố. Có lẽ bố phải mở tiệc chiêu đãi cả nhà để đánh dấu sự kiện này”. Nói đoạn, nó mở bì thư, trịnh trọng đọc quyết định của Quận ủy Cầu Giấy v/v xóa tên tôi khỏi danh sách đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) “do đã vi phạm quy định chuyển sinh hoạt Đảng”.

Tôi quyết định “thoái Đảng” (tức lẳng lặng bỏ Đảng, không chuyển sinh hoạt Đảng) từ giữa năm 2003 ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ngày 3/2/2020 này, tôi đã “thoái Đảng” được suýt soát 17 năm. Còn trong thực tế, xin tiết lộ điều “bí mật” sau đây:

Ngay khi còn đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, tôi đã âm thầm “khai trừ Đảng khỏi lòng tôi” rồi. Tôi đã thực hiện điều này trong lặng lẽ, tức chỉ có tôi biết. Chính xác việc trên là từ khi nào, tôi không nhớ rõ, chỉ biết nó bắt đầu ngay sau khi nhận ra mình đặt lòng tin nhầm chỗ. Mãi sau này, khi chính thức “thoái Đảng”, tôi mới biết là đã có rất nhiều đảng viên ĐCSVN cũng hành động giống tôi, nghĩa là âm thầm “khai trừ Đảng trong lòng” khi còn tại chức, không đợi sau khi nghỉ hưu mới “thoái Đảng”.

Công bằng mà nói, lý tưởng cộng sản đã từng một thời là khao khát và ước vọng của biết bao thế hệ trẻ. Trong thập kỷ 1960’s và 1970’s, lý tưởng cộng sản đã thôi thúc hàng triệu thanh niên trai tráng, trong đó có tôi, tự nguyện viết đơn xin đứng trong hàng ngũ ĐCSVN.

Hồi tưởng lại, niềm tin vào lý tưởng cộng sản thật là trong sáng, nó đã không chỉ lay động trái tim tôi, mà còn sưởi ấm tâm hồn tôi. Chẳng thế mà Milovan Djilas (1911-1995) cố Chủ tịch Quốc Hội Liên bang Nam Tư, cố Uỷ viên BCT Đảng Cộng sản Liên bang Nam Tư, đã để lại một câu bất hủ cho hậu thế: “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu”.

Vì thế, lòng tin vào lý tưởng cộng sản trong tôi phai nhạt dần, cho đến đầu thập niên 1990’s thì nguội lạnh và lịm tắt hẳn. Tôi thực sự đã mất hết lòng tin vào ĐCSVN, vào chủ thuyết Marx-Lenine, vào CNXH và CNCS, và cả vào cái gọi là “Đỉnh cao trí tuệ” nữa.

Tôi “thoái Đảng” vào thời điểm hiện tượng trên còn hãn hữu, nhưng đến nay nó đã trở nên phổ biến. Các đảng viên ĐCSVN, khi nhận quyết định nghỉ hưu, thường họ không chuyển giấy sinh hoạt cho các đảng bộ địa phương, mà lặng lẽ cất kỹ dưới đáy tủ như kỷ niệm của “một thời đáng quên”. Họ lặng lẽ, âm thầm thực hiện hành động đó, không ồn ào và công khai với bất cứ ai, trừ khi là bạn rất thân của nhau. Đến nay, đã bao nhiêu đảng viên cộng sản chọn cách này để “tạm biệt” Đảng, không một ai có thể biết chính xác, bởi Đảng giấu rất kỹ. Nhưng theo nhiều người dự đoán, con số này ước khoảng 45%! Số còn lại, mang tiếng là “vẫn yêu Đảng”, nhưng thực tế đa số họ đã “chán Đảng”, họ miễn cưỡng phải tiếp tục ở lại sinh hoạt vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phải kể đến lý do hàng đầu là sợ liên lụy đến con cháu, tiếp đến là sợ ảnh hưởng đến “sổ hưu”, tức kế sinh nhai hàng ngày của họ.

Vậy phong trào “thoái Đảng” do đâu mà có? Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể khẳng định nó bắt đầu từ lòng tin (vào ĐCSVN) bị giảm sút, đến chỗ hồ nghi sự lãnh đạo của Đảng, và cuối cùng là mất sạch lòng tin vào Đảng. Thế là bệnh “chán Đảng”, như một hệ lụy tất yếu, nó xuất hiện trong sâu thẳm tâm can rất nhiều đảng viên. Bệnh “chán Đảng” nhanh chóng trở thành phong trào “thoái Đảng”. Căn bệnh này lây lan rất nhanh, song nó không gây nguy hiểm cho đất nước và xã hội, nhưng lại rất nguy hiểm cho đảng cầm quyền. Xét về khía cạnh luật pháp hay đạo đức, nó không vi phạm điều khoản nào trong mọi văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy nó không thể bị quy kết là “có tội”. Lượng tích tụ lâu dần, từ ngày này qua tháng khác, sẽ biến thành chất. Đây là một quy luật tất yếu, không một ai có thể ngăn cản nổi.

***

Đến đây có thể có người đặt câu hỏi: Do đâu mà tôi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách logic và biện chứng như vậy? Vâng, đơn giản từ chỗ giảm sút niềm tin, tới chỗ mất hết lòng tin vào ĐCSVN, rồi sớm vướng phải căn bệnh “chán Đảng” để cuối cùng đi đến quyết định “thoái Đảng”, trong vòng có vài năm! Trước khi trả lời câu hỏi trên, xin khẳng định ngay tôi chưa một lần bị kỷ luật về Đảng hoặc về chính quyền. Tôi quyết định “thoái Đảng” giữa năm 2003 sau khi nghỉ hưu là do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là bởi 10 thực tế sau đây quyết định:

Một là: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước toàn trị, xã hội ta là xã hội chuyên chế, phi dân chủ. ĐCSVN đã độc đoán áp đặt vào Điều 4 Hiến pháp:“ĐCSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều luật này chứng tỏ Đảng đã vô lý và ngang ngược bắt toàn xã hội chấp nhận ý chí của một thiểu số. Như vậy có phải là độc tài, phi dân chủ không? Đã thế, Đảng lại không chịu trách nhiệm với bất cứ quyết định nào về mặt pháp lý của mình. Không thể coi nhà nước ta là dân chủ được, chỉ có thể nói đó là xã hội toàn trị, phi dân chủ mà thôi. Ngày nàò còn chưa loại bỏ điều luật phi lý và phi pháp trên, ngày đó không thể nói là nhà nước và thể chế có dân chủ được. Thử hỏi có chính đảng nào trên thế giới này lại mặc định trong Hiến pháp nước mình sự độc quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội như ở Việt Nam ta?

Hai là: Trong bộ Luật Đất đai, một bộ luật thiết yếu đối với người dân Việt Nam, thay cho hình thức “Đa sở hữu đất đai” như vốn có từ trước khi ĐCSVN ra đời, Đảng đã vô lý áp đặt vào Điều 4 (lại Điều 4). bộ Luật này như sau: “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều khoản tù mù và cực kỳ vô lý này là một tử huyệt của thể chế nước ta, đồng thời là nguyên nhân chủ yếu gây ra bất ổn xã hội. Nói vậy vì nó trực tiếp mở rộng đường cho các phe nhóm lợi ích “bán nước, hại dân” trong Đảng liên kết với 63 Bí thư Tỉnh ủy các địa phương trên toàn quốc tha hồ cướp đất của dân, nhất là ở các vùng thôn quê. Chừng nào Luật Đất đai còn duy trì điều khoản vô lý, phi tự nhiên này, chừng đó sẽ còn xảy ra những vụ như Thủ Thiêm, Lộc Hưng (Tp.HCM), Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Nội), Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình), Đặng Văn Hiến (Đắc Nông),v.v… Dù cho đã cố áp dụng và tìm mọi cách để ngăn chặn, ĐCSVN cũng bất lực, không thể chấm dứt tình trạng khiếu kiện ngút trời của dân oan khắp 3 miền đất nước do họ bị giải tỏa và cưỡng chế đất đai bất hợp pháp và vô tội vạ.

Ba là: Việt Nam không có Tam quyền phân lập nên không có Nhà nước pháp quyền. Đa số các quốc gia trên thế giới ngày nay đều áp dụng mô hình tam quyền phân lập. Ba nhánh quyền lực, gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc nhau, kiểm soát và hạn chế quyền lực của nhau nhằm thực thi nguyên tắc phân quyền giữa các thiết chế trên trong một nhà nước pháp quyền. Không một ai hoặc một định chế nào, kể cả Tổng thống hoặc chính đảng cầm quyền, có thể đứng trên 3 thiết chế này. Trên và cao hơn họ chỉ có thể là Hiến pháp. Đây là một phát kiến của nhân loại chứ không phải là sản phẩm của riêng giai cấp nào. Còn ở Việt Nam, trên và cao hơn họ trong suốt 75 năm qua không phải là Hiến pháp, mà duy nhất chỉ có ĐCSVN ngự trị. Nếu “rule of law” là pháp quyền và “rule by law” là pháp trị (pháp quyền là sự cai trị của pháp luật, còn pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật) thì mô hình nhà nước ta là mô hình Nhà nước Đảng trị. Khác với đa số các quốc gia trên thế giới, ĐCSVN quản lý và cai tri đất nước bằng luật lệ riêng của mình. Như vậy, rõ ràng nước ta là Nhà nước Đảng trị. Ngày nào ta còn duy trì hệ thống pháp luật lạc lõng này, ngày đó sẽ còn xảy ra nhiều bất công pháp lý cũng như vô vàn vụ án oan sai tày đình.

(P/S: Đơn cử, trong vụ Đồng Tâm mới đây nhất, lẽ ra VKSNDTC khi phát hiện thấy BCA có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nửa đêm giữa thời bình, BCA ngang nhiên điều động hàng ngàn CSCĐ xâm nhập bất hợp pháp cộng đồng dân cư và nhà riêng công dân, nổ súng giết hại cụ ông Lê Đình Kình, 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng ngay tại nhà riêng, cướp và mang đi nhiều tài sản cùng nhiều hồ sơ, tài liệu quý của gia đình, bắt mang đi gần 30 người dân Đồng Tâm,v.v…) thì họ phải chủ động khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xác định nguyên nhân và động cơ việc giết hại cụ Kình và gián tiếp làm 3 CSCĐ “hy sinh”, mà không phải “chờ lệnh” hay “được phép” của Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN! Nhận thấy có việc vi phạm cực kỳ nghiêm trọng pháp luật VN, sáng 21/01/2020 vừa qua, 12 người chúng tôi có “Đơn Tố giác” tội phạm và đã chuyển trực tiếp cho VKSND Tp. Hà Nội và Cơ quan CSĐT Công an Tp. Hà Nội về vụ việc nói trên. Điều 146 Bộ luật TTHS 2015 quy định, trong phạm vi 03 ngày làm việc, chúng tôi phải được báo cho biết kết quả thụ lý đơn tố giác nói trên của chúng tôi. Nhưng đến nay đã quá thời hạn trên, nhưng chúng tôi chưa nhận được hồi âm nào của 2 cơ quan tư pháp có trách nhiệm tiến hành công tác tố tụng. Liệu tất cả có rơi vào im lặng?)

Bốn là: Thực trạng tham nhũng ở nước ta rất khủng khiếp. Bản chất thể chế chính trị của ta là sinh ra tham nhũng, ngược lại, bọn tham nhũng ra sức bảo vệ cho cơ chế đã sinh ra chúng tồn tại. Đảng chỉ giỏi chống tham nhũng trên giấy, và chỉ chống tham nhũng bằng các nghị quyết sáo rỗng. Càng hô hào chống tham nhũng, thì tham nhũng càng lớn mạnh. Trong suốt 30 năm qua, ĐCSVN chỉ giỏi nói mồm, giỏi tuyên truyền, kêu gọi “toàn Đảng, toàn dân” diệt trừ tham nhũng. Tưởng rằng tham nhũng sẽ sớm “toi đời”, nhưng chẳng hiểu sao, cứ sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, tệ nạn này lại càng sống khỏe. Từ chỗ chỉ là một vài con sâu đơn lẻ, chúng đã sớm trở thành một bầy sâu, và nay đã lớn mạnh thành những tập đoàn sâu, chúng ăn của dân “không chừa một thứ gì” thì hỏi làm sao không “chết cái đất nước này”?. ĐCSVN ngày nay đang tha hóa, biến chất và suy thoái toàn diện. Có thể khẳng định,100% các “con sâu cỡ bự” này đều là đảng viên cao cấp của ĐCSVN. Người viết bài này xin nói thật điều sau đây: “ĐCSVN sẽ khó tránh khỏi số phận sụp đổ như các ĐCS ở các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô trước đây. Lý do duy nhất là nó đã và đang dung dưỡng cả một bầy sâu bọ tham nhũng trong lục phủ ngũ tạng của mình”! Vâng, câu “Sư tử thân trung trùng thực sư tử nhục” là rất nhỡn tiền, bởi đây là quy luật hoàn toàn tự nhiên và khách quan.

Năm là: ĐCSVN đã cầm quyền 75 được năm nhưng chưa hề có một cơ chế kiểm soát quyền lực nào thực sự hữu hiệu. Một trong các cơ chế kiểm soát quyền lực là UBKT các cấp, nhưng đó chỉ là công cụ riêng của Đảng. Vừa qua, UBKTTƯ đã làm được một số việc hợp với lòng dân, như đưa ra xét xử một số vụ án, trong đó có 2 bị cáo nguyên là Bộ trưởng và UVTƯ Đảng: Một bị tuyên chung thân, người kia bị tuyên 14 năm tù giam,v.v… Song các vụ trên chắc chắn sẽ được kịp thời ngăn chặn một khi UBKTTƯ do Đại hội Đảng bầu trực tiếp, chứ không phải do BCHTƯ (thực chất là do TBT, BCT) chỉ định. Vì vậy, UBKTTƯ xưa nay chỉ được làm những vụ việc mà TBT và BCT đã gật đầu. Nếu UBKTTƯ được Đại hội Đảng bầu ra, mà không phải do TBT và BCT chỉ định, thì sẽ hoàn toàn khác. Các vụ lạm quyền, vi phạm pháp luật trắng trợn như Thủ Thiêm, Mobiphone mua AVG, Bauxite Tây Nguyên, Vinashine, Vinaline, Formosa, Gang thép Thái Nguyên, v.v… chắc chắn sẽ không thể xẩy ra, hoặc nếu có xảy ra thì sẽ bị ngăn chặn sớm.

Sáu là: Tệ nạn “mua quan, bán tước” và “chạy chức, chạy quyền” đã và đang hoành hành trong các cơ quan công quyền nước ta trong suốt nửa thế kỷ qua, làm hư hỏng biết bao cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Có người hỏi tôi: “Thế ĐCSVN có biết hiện tượng trên là rất nguy hại không?”. Tôi đáp: “Có, Đảng không chỉ biết mà còn biết rất rõ, nhưng Đảng đã làm cố ngơ và che đậy những hiện tượng này!” Mãi đến gần đây, ngày 23/9/2019, ĐCSVN mới ban hành một văn bản, gọi là Quy định 205-QĐ/TƯ có tên là “Chống chạy chức, chạy quyền” nhằm ngăn chặn tệ nạn trên, nhưng đã quá muộn, mọi sự đã đâu vào đấy cả rồi. Người bán thì đã “mất tăm”, còn người mua thì sẽ phải giữ im lặng để tìm cách “thu hồi vốn” và “kiếm chút lãi”. Chỉ dân lành ở giữa là nạn nhân hứng chịu mọi hậu quả.

Bảy là: Việt Nam còn hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Chừng nào trong Luật Báo chí của ta còn chưa cho phép tư nhân được quyền ra báo riêng, chừng đó không thể nói là có tự do báo chí và tự do ngôn luận. Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Người dân phải có quyền tự do biểu đạt chính kiến, tự do lập hội và biểu tình. Nhà nước ta còn nợ người dân 2 bộ luật mà Hiến pháp1946 đã cam kết là luật Biểu tình và Lập hội. Nếu quá bức xúc về vấn đề xã hội nào đó, người dân buộc phải xuống đường biểu tình, sẽ bị cơ quan chức năng vu là “tụ tập đông người” hoặc “gây rối trật tự công cộng” để có lý do trấn áp. Đảng khất lần quá lâu, đến nay 3/4 thế kỷ đã trôi qua mà chưa đệ trình Quốc Hội ban hành 2 bộ luật trên để người dân thực hiện quyền hiến định của mình.

Tám là: Có lẽ ai cũng biết Giáo dục và Y tế xưa nay là 2 lĩnh vực quan trọng, rất thiết thân đến xã hội và mọi gia đình người dân, nhưng Đảng đã tỏ ra ảo tưởng hão huyền. Ngay từ sau ĐH III (đầu thập kỷ 60’s), Đảng đã khẳng định như đinh đóng cột: Giáo dục và Y tế thể hiện tính “Ưu việt của CNXH là học sinh đi học, gia đình không phải trả tiền; và người dân được chữa bệnh miễn phí!”. Ngày nay, trường học và bệnh viện chính là 2 nơi người dân phải mất tiền nhiều nhất. Không chỉ vậy, 2 lĩnh vực này đã và đang xuống cấp trầm trọng về cả chuyên môn lẫn đạo đức. Về giáo dục, vụ án “Gian lận thi cử” xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình năm học 2018-2019 vừa qua là một ví dụ điển hình. Ngành y tế cũng cũng vướng vào nhiều vụ án kinh hoàng không kém: Công ty dược VN Pharma buôn lậu thuốc chữa ung thư giả, nhiều trẻ sơ sinh tử vong bất thường tại một số Bệnh viện,v.v… Và mới đây nhất, lãnh đạo Khoa Vi sinh (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) đã gian dối lệnh cho nhân viên cắt đôi que thử HIV và viêm gan B, làm chấn động dư luận Hà Nội và cả nước.

Chín là: ĐCSVN ngày nay không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Đảng đã không coi trọng và bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng như con ngươi của mắt mình nữa! Từ sau Đại hội IV đến nay, nội bộ Đảng đã rạn nứt và chia năm xẻ bảy, hình thành nhiều phe phái khác nhau. Việc TBT Nguyễn Phú Trọng suýt bật khóc trước ống kính truyền hình của VTV1 khi đọc diễn văn bế mạc HNTƯ lần thứ 6 (Khóa XI) vì không kỷ luật nổi “đồng chí X” (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), đã nói lên khá đầy đủ tình trạng chia rẽ trầm trọng trong Đảng hiện nay. Tóm lại, nội bộ ĐCSVN đang hình thành các phe nhóm lợi ích khác nhau, các phe nhóm này chỉ lo đấu đá, tranh đoạt lợi ích và quyền lực với nhau, bỏ mặc quyền lợi đất nước và lợi ích dân tộc. Họ có thể chia rẽ và mâu thuẫn nhau trong nhiều vấn đề, song có một vấn đề mà họ luôn thống nhất với nhau, đó là đặt lợi ích của Đảng và giai cấp vô sản lên trên hết! Đây phải chăng là điềm gở, rất gở báo hiệu một tương lai ảm đạm cho số phận ĐCSVN?

Mười là: Về đối ngoại, ĐCSVN đã và đang lệ thuộc mọi mặt vào ĐCSTQ, nhất là từ khi 2 đảng bí mật đi đêm với nhau để ký Mật ước Thành Đô (4/9/1990). Kể từ đó, ĐCSVN đã lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ĐCSTQ. Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên UVTƯ Đảng (1960-1976), là người rất am tường về TQ vì đã có 13 năm liên tục (1974-1987) làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền VN tại TQ, vừa từ trần ngày 26/12/2019, hưởng thọ 104 tuổi, đã vạch trần ĐCSVN hiện nay trở nên biến chất và hư hỏng, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nữa! Trong các hư hỏng của ĐCSVN mà cụ đề cập, xin được trích dẫn nguyên văn lời cụ như sau: ”Ba là: ĐCSVN ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào ĐCSTQ. Sau khi ký kết Mật ước Thành Đô (9/1990) với ĐCSTQ, Ban lãnh đạo ĐCSVN kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào ĐCSTQ. ĐCSVN làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn TQ xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi TQ ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái phép dàn khoan HD.981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Mới đây nhất, Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách phi lý của TQ đòi VN phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt với Tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”(Trích bài “Lão tướng NTV lên tiếng về quyết định của Gs.TL). Còn gần đây nhất, kể từ đầu 7/2019 cho đến giữa 10/2019, TQ đã điều tầu thăm dò địa chấn HD.08 cùng hàng chục tầu chiến vào bên trong thềm lục địa nước ta để khảo sát và quần thảo ở bãi Tư Chính, ĐCSVN đã không hề ra tuyên bố lên án hoặc tố cáo TQ. Không chỉ vậy, ĐCSVN tìm mọi cách ngăn cản các nỗ lực của giới nhân sỹ trí thức và người dân đòi kiện TQ ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế như Phippines đã làm năm 2016. Vậy xin hỏi, ĐCSVN có đặt lợi ích dân tộc và quyền lợi quốc gia lên tối thượng không? Và như vậy có xứng đáng với vai trò là người lãnh đạo Nhà nước và dẫn dắt xã hội nữa hay không?

***

Đôi điều bộc bạch nói trên là rất thật của người viết bài này. Những đều trên đã hằn sâu trong suy nghĩ và tâm tư của tôi mấy chục năm qua, ít ra là từ sau năm 1990 đến nay, 30 năm trước khi tôi nhận quyết định xóa tên nói trên. Xin cảm ơn quý độc giả đã kiên trì đọc những dòng tâm tình gan ruột trên đây của tôi, mặc dù có đôi chút giông dài, mong được lượng thứ!

Hà Nội, ngày 3/2/2020.

N.Đ.Q

Tọa Kháng 13.02.2022

Tọa Kháng Kêu Gọi Trả Tự Do Ông Châu Văn Khảm 13.02.2022

Tọa kháng kêu gọi trả tự do cho ông Châu Văn Khảm
Kính thưa quý đồng hương,
Từ ngày 31 tháng Giêng, 2022, thân hữu và anh chị em Việt Tân tại Nam Úc đã bắt đầu cuộc tọa kháng trước tiền đình Quốc Hội để phản đối mạnh mẽ việc chính phủ và bà Ngoại trưởng Marise Payne không nỗ lực giúp đỡ người công dân Úc là ông Châu Văn Khảm, đang bị án oan tại Việt Nam.
Các thân hữu và anh chị em Việt Tân tại khắp nơi trên nước Úc: từ Brisbane, Darwin, Melbourne, Perth và Sydney cũng đã tổ chức các buổi tọa kháng cuối tuần vừa qua.
Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần này, ngày cả ở Canberra vào ngày 10 tháng 2, trong khi Quốc hội đang họp với chủ đề “Marise Payne, Let’s Talk!” (Ngoại Trưởng Úc, Hãy Đối Thoại với Chúng Tôi!)
Mục tiêu của anh chị em Việt Tân và thân hữu là sẽ tiếp tục phản đối một cách ôn hoà cho đến khi có được cuộc gặp gỡ và đối thoại với bà Ngoại trưởng Marise Payne.
Tọa Kháng 13022022
Ông Châu Văn Khảm, 73 tuổi, quốc tịch Úc, bị bắt vào tháng 1 năm 2019, ngay khi đến Việt Nam. Sau một phiên tòa xét xử bất công với các cáo buộc bịa đặt, ông Châu Văn Khảm đã bị kết án 12 năm tù với tội khủng bố.
Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trong quá khứ vẫn có động thái trả tự do các tù nhân lương tâm khi có sự can thiệp của chính phủ các nước tự do.
Ông Châu Văn Khảm là một công dân Úc vô tội đã bị đàn áp nhân quyền trắng trợn và bị cầm tù tùy tiện, chính đáng được sự quan tâm và bảo vệ từ chính phủ Úc.
Tuy nhiên, trong ba năm qua, Bà Marise Payne đã làm ngơ trước mọi nỗ lực liên lạc và tiếp xúc của cộng đồng Việt Nam để thảo luận về trường hợp của ông Châu Văn Khảm, không những thế bà Payne còn viện trợ cho Việt Nam  2,7 triệu liều Covid vaccine không điều kiện.
Chủ Nhật tới đây là buổi thứ 14 của cuộc toạ kháng, cũng là buổi cuối cùng tại Adelaide cho đợt này . Sau đó anh chị em sẽ tập trung về Sydney nơi có văn phòng của bà Marise Payne để phản kháng mạnh mẽ hơn.
Kính mời quý đồng hương tham gia:
TOẠ KHÁNG CHO ÔNG CHÂU VĂN KHẢM
Chủ Nhật 13/02/2022
Quốc Hội Nam Úc
Từ 2pm-3pm
Anh chị em Việt Tân, gia đình và thân hữu của ông Châu Văn Khảm rất trân trọng và tri ân những hỗ trợ của quý đồng hương và Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc cho ông Châu Văn Khảm trong 3 năm qua.
Xin tha thiết kêu gọi quý đồng hương tiếp tục đồng hành để cứu giúp một người Việt Nam tuổi già, sức yếu đang bị sa cơ trong tinh thần không từ bỏ nhau trong lúc hoạn nạn.
Kính mong quý đồng hương sắp xếp thì giờ tham dự buổi toạ kháng Chủ Nhật này.
Trân Trọng,

Huỳnh Hoài Bảo Châu

Vá cờ

Vá Cờ (Tùy Bút: Trần Khải Thanh Thủy)

Vá cờ (tùy bút: Trần Khải Thanh Thủy)

Vá Cờ (Tùy Bút – Trần Khải Thanh Thủy)

* NguồnTrang mạng Việt Phố (http://vietpho.org)

Huế, Phú Vân Lâu, ngày chiếm lại
Dựng cờ vàng ngạo nghễ khoảng trời xanh
Anh hy sinh, thân cờ in vết đạn 
Em vá cờ, em vá mảnh giang san…
Nguyễn Thị Xuân Lộc

Tôi chưa từng đọc thơ chị, cho dù lên Google đánh đầy đủ tên họ chị cũng không thấy thơ chị xuất hiện. Chỉ đến khi bập vào bài thơ này trong ngày gây quỹ yểm trợ cho các nhà dân chủ quốc nội tại San Diego, lập tức tôi rơi vào trạng thái choáng váng, ngây ngất như người say sóng, đi không thật vững, bước không thật chân, cứ bập bềnh, thực ảo vì tứ thơ lan tỏa trong đầu. Chỉ bốn câu mà làm sống dậy cả không gian, thời gian, địa điểm và không khí khốc liệt của chiến dịch Mậu Thân 1968:

Huế, Phú Vân Lâu, ngày chiếm lại
Dựng cờ vàng ngạo nghễ khoảng trời xanh

Khi đó thế sự diễn ra ác liệt, ngay trong đêm 30 Tết, lợi dụng không khí đón xuân tưng bừng náo nhiệt, cũng là tin vào lệnh ngưng chiến nhân ngày Tết cổ truyền của toàn thể bà con và quân đội Việt Nam Cộng Hòa, bộ đội Bắc Việt đã đột nhập vào đại nội Huế, đồng loạt bắn phá các mục tiêu rồi treo cờ máu lên… Suốt 25 ngày trong thế gò lì căng thẳng, tranh nhau từng ngôi nhà, mảnh đất, từng cây cầu, phố xá, chiều 24/2 Huế, Phú Vân Lâu được lấy lại. Một trung sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã làm một việc đầy ý nghĩa, báo hiệu sự chiến thắng, đó là dựng lại lá cờ vàng ba sọc đỏ thay cho cờ của cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (hai nửa xanh và đỏ có sao vàng ở giữa). Bị Việt cộng bất ngờ pháo kích, anh lặng lẽ hy sinh, lá cờ do anh cầm cũng lập tức ngã theo, lỗ chỗ vết đạn. Vợ anh, sau nỗi đau khôn tả, vật vã khóc than vì thương chồng, thương thân, cố giấu niềm đau, nỗi uất nghẹn vào lòng, ngồi vá lại lá cờ bị thủng, rách, gửi thương nhớ theo từng mũi chỉ, đường kim.

Bài thơ dung dị nhưng có điểm tỏa sáng ở mỗi câu chữ, thấp thoáng nỗi xót xa chuyện đời, chuyện tình của người góa phụ mất chồng , nhưng không mất niềm tin với vận mệnh dân tộc thông qua việc vá cờ.

Chỉ bằng bốn câu thơ minh họa cho bức tranh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, song bài thơ đã được mọi người chú ý, vì những câu thơ giàu biểu tượng, có sức khái quát cao, dễ găm sâu vào lòng người đọc, người nghe, người xem những tình cảm ngậm ngùi, trân trọng, cao quý, thiêng liêng. Hình ảnh ngạo nghễ của lá cờ giữa khoảng trời xanh quê hương, khi khói lửa chưa tàn, đã in đậm trong trí óc người xem nhờ chiều sâu tâm huyết của tâm hồn tác giả. Trong khúc ngoặt của lịch sử, cũng là trước bờ vực của sự tồn vong, trước máu xương của 44 nghìn bà con đã đổ trong đại nội Huế, chị lặng lẽ viết hai câu kết:

Anh hy sinh, thân cờ in vết đạn 
Em vá cờ, em vá mảnh giang san

Bài thơ nhờ thế đã neo đậu trong bến bờ tâm cảm của người đọc mà không phải bất cứ người làm thơ nào cũng may mắn có được. Tuy chẳng có phép thuật gì khi gieo vần, chọn chữ, tìm ý tứ, hình ảnh, chi tiết nhưng nhờ bức ảnh sống động, những câu thơ bỗng lung linh lạ thường, như thể tâm hồn chị đã đạt đến sự xúc cảm mãnh liệt, một tâm hồn thực sự nhạy cảm, non tơ, biết rung động mạnh mẽ trước hình ảnh sống động thiêng thiêng là vá lại lá cờ của Tổ Quốc, vốn có từ thời Bà Triệu (năm Mậu Thìn 248). Gần hai nghìn năm trước, hình ảnh Bà Triệu “Đầu voi phất ngọn cờ vàng” thì cũng gần hai nghìn năm sau, hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa: “Dựng cờ vàng ngạo nghễ khoảng trời xanh”. Tuy là hai động tác khác nhau: “Dựng” và “Phất” nhưng khí phách hiên ngang, oai hùng là sự kế thừa, tiếp nối từ ngàn xưa đến mai sau. Máu anh hùng đã đổ, Bà Triệu tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), còn anh trung sĩ ngã xuống ngay dưới chân cột cờ (Huế), nhưng sắc cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của lòng yêu nước của cả dân tộc Việt Nam thì còn tồn tại mãi mãi.

Người góa phụ vá cờ, song trong con mắt nhà thơ, hình ảnh ấy còn mang một sự so sánh, liên tưởng rộng hơn: “Vá mảnh giang san”, bởi giang san khi ấy đang chan chứa đôi hàng lệ. Không những bị ngăn cách bởi vĩ tuyến 17 ngày và đêm, trên nhịp cầu Hiền Lương, nơi bờ sông Bến Hải, mà còn cả nỗi đau xác thực là hàng chục hố chôn tập thể của đồng bào bị Việt Cộng tàn sát pháo kích, qua lời kêu gọi hiếu chiến, hiếu sát của tội đồ Hồ Chí Minh, đến nỗi cả triệu triệu nén hương thắp lên trong đêm cùng gục đầu thổn thức.

Xuân này thê thảm lắm xuân ơi
Máu đổ, xương tan khắp mọi nhà
Dân chúng thay nhau vùi thân xác
Tang thương tràn ngập Huế của ta.

Bài thơ là một tổng thể hoàn chỉnh, mỗi câu thơ là một sự khai triển, kết nối và bung tỏa, làm lay động trái tim người nghệ sĩ (nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh) cùng cả nghìn, vạn, triệu con tim người xem tranh. Điều tác giả muốn làm rõ ngoài nội dung bức ảnh còn là một thông điệp khẩn đến thế hệ mai sau: Đường đến độc lập tự do đầy máu và nước mắt, nhưng hạnh phúc mai sau đã bắt đầu từ trong chính việc làm dung dị mà cao cả, thiêng liêng này.

Thời nào cũng vậy, thơ muốn bay cao, muốn có tầm vóc thì phải có đôi cánh tư tưởng đập nhịp nhàng với luồng gió thời đại. Chính vì đạt tới điều này mà bài thơ có sức lan tỏa sâu rộng trong lòng bạn đọc, dù bất kỳ đối tượng nào… Chỉ cần bập vào bốn câu thơ của chị đề trang trọng dưới bức tranh thiêng là có thể nhớ ngay được, để lúc vui, lúc buồn có dịp ngâm ngợi, lẩm nhẩm đọc lại, vừa để gửi gắm tâm hồn mình, vừa để giãi bày nỗi lòng, tình cảm với tác giả bài thơ về một thời hào hùng, lửa cháy, có đau thương uất hận, có chiến thắng oai hùng.

Nhờ bức ảnh sống động, thơ của chị có sức vượt thời gian, cũng như nhờ những câu thơ dung dị, lung linh huyền ảo mà bức ảnh sống mãi trong lòng người Việt Hải Ngoại. Giữa người chụp ảnh và người làm thơ có sự hài hòa, bổ xung, nâng cao nhau trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật. Cả hai đã đem tới cho người xem, người đọc một khát vọng giải phóng dân tộc từ bầu máu nóng của người trung sĩ đã ngã xuống năm nào… Gia tài anh để lại là trái tim không tắt trên nền cờ Tổ Quốc, cũng chính là lá cờ đã bọc thi hài anh, được người vợ nâng niu vá lại để chờ ngày rửa nhục cho nhà, rửa hờn cho nước, trùm tự do, dân chủ, độc lập xuống ba miền, khi chế độ cộng sản hoàn toàn sụp đổ.